Suy Nguyện và Sống Đạo
Phụng Vụ Lời Chúa trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Nếu trong Mùa Chay, nhất là từ Tuần Thư 4 trở đi, bao gồm cả Tuần Thánh, chủ đề chính yếu của phụng vụ Lời Chúa là Mầu Nhiệm Vượt Qua: "Tôi tự ý bỏ sự sống mình đi và có quyền lấy nó lại" (Gioan 10:18), tột đỉnh mạc khải thần linh của Thiên Chúa, thì trong Mùa Phục Sinh 7 tuần lễ, chủ đề của phụng vụ Lời Chúa phản ảnh đúng như lời Chúa Kitô đã tuyên bố về bản thân Người "Thày là sự sống lại và là sự sống", một chủ đề có 2 phần: phần 1 "Thày là sự sống lại" cho Tuần Bát Nhật Phục Sinh, và phần 2 "Thày là sự sống" cho 6 tuần lễ còn lại của Mùa Phục Sinh (rồi chúng ta sẽ thấy).
Thật vậy, chủ đề của phụng vụ Lời Chúa cho Tuần Bát Nhật Phục Sinh, kể từ ngày đầu tiên là Chúa Nhật Phục Sinh (ở Thánh Lễ ban ngày, chứ không phải Thánh Lễ Đêm Vọng Phục Sinh) đến ngày thứ 8 là Chúa Nhật thứ 1 sau Phục Sinh là chính Lễ Lòng Thương Xót Chúa, toàn là những bài Phúc Âm (bao gồm toàn bộ 4 cuốn, nhưng chính yếu là Phúc Âm Thánh ký Gioan có 4 trong 8 bài mà 2 bài chính vào 2 Chúa Nhật đầu và cuối Tuần Bát Nhật) được Giáo Hội cố ý chọn đọc về các lần Chúa Kitô sau khi sống lại từ trong cõi chết hiện ra khác nhau theo thứ tự thời gian, như sau:
Trong các bài Phúc Âm đều cho thấy việc Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra là để chẳng những chứng thực Người đã sống lại đúng như Thánh Kinh và lời Người đã báo trước, mà còn để trở thành sứ vụ loan báo của thành phần chứng nhân tiên khởi là các tông đồ nữa, đúng như lời Chúa Giêsu đã tiên báo về mối liên hệ mật thiết bất khả phân ly giữa Người và Giáo Hội Truyền Giáo: "Thần Chân Lý từ Cha mà đến và là Đấng chính Thày sẽ sai đến từ Cha, Ngài sẽ làm chứng về Thày. Các con cũng phải làm chứng về Thày, vì các con đã ở với Thày ngay từ ban đầu" (Gioan 15:26-27).
Đó là lý do bài đọc 1, trong suốt Mùa Phục Sinh, không trích từ Cựu Ước, mà toàn là Sách Tông Vụ, thứ tự được Giáo Hội trích đọc từ đầu đến cuối (trừ Chúa Nhật Phục Sinh ở đoạn 10 là đoạn được coi là tổng hợp), và cuối lại là đầu (với biến cố Hiện Xuống vừa kết thúc Mùa Phục Sinh vừa mở màn Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh), một tập sử liệu có thể nói là Phúc Âm về Thánh Linh liên quan đến Sứ Vụ Truyền Giáo của Giáo Hội.
"Thày là sự sống lại" ở 4Phúc Âm Tuần Bát Nhật PS
Thánh thi (Giờ Kinh Phụng Vụ Chiều Tuần Bát Nhật Phục Sinh - bản của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh)
Ðoàn áo trắng mau chỉnh tề hàng ngũ,
Ðã vượt qua Hồng Hải thật diệu huyền,
Hãy tiến vào dự yến tiệc Con Chiên
Dâng lên Ðức Kitô lời ca ngợi!
Cùng nếm thử, nào anh em ta hỡi
Thánh Thể Ngài trên thập tự hiến dâng
Uống cho say ly bửu huyết đỏ hồng
Ðể ta sống cho Chúa Trời mãi mãi.
Ôi phúc cả ! Ðêm dài Vượt Qua ấy
Lúc thiên thần chinh phạt khắp dân Ai,
Bỗng vùng lên đoàn dân thánh của Ngài
Thoát xiềng xích Pharaô độc dữ.
Chiên Vượt Qua là Kitô Ðức Chúa
Ðổ máu đào vô tội cứu sinh linh
Này bánh không men nuôi dưỡng lòng thành
Hồn trinh trắng khỏi sa vòng tục lụy.
Ôi Tế Vật từ trời cao giáng thế,
Duy mình Ngài phá vỡ ngục âm ty
Bao tù nhân, Ngài giải phóng đưa về
Rồi ân thưởng phúc trường sinh bất diệt!
Tử thần hỡi, từ đây ngươi đã chết
Lúc Con Người ra khỏi mộ hiên ngang,
Chúa phục sinh khi mở cửa thiên đàng
Ðã ra lệnh giam ngươi vào ngục tối!
Ôi Giêsu, chúng con hằng mong mỏi
Ngài trở thành niềm hoan lạc Vượt Qua
Ðã tái sinh thì xin lượng hải hà
Cho gia nhập đoàn hùng binh chiến thắng!
Muôn vinh hiển, dâng lên tòa cao sáng
Kính tôn Cha và Thánh Tử phục sinh
Hằng trị vì cùng với Chúa Thánh Linh
Từ muôn thuở đến thiên thu vạn đại.
Theo phụng niên của Giáo Hội có hai mầu nhiệm được cử hành ở bậc Lễ trọng thể nhất, có tuần bát nhật trước cũng như sau chính đại lễ, đó là Mầu Nhiệm Giáng Sinh và Mầu Nhiệm Phục Sinh. Vì hai mầu nhiệm này đều cử hành vào nửa đêm: Đêm Giáng Sinh và Đêm Phục Sinh. Bởi Ngôi Lời giáng sinh vào nửa đêm và Chúa Kitô cũng phục sinh vào nửa đêm. Tại sao vậy?
Tại vì, nơi Mầu Nhiệm Giáng Sinh, "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5), "chiếu soi trong tăm tối" (Gioan 1:5) là thế gian nơi "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta... đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14), như để xua tan bóng đêm tội lỗi và sự chết gây ra bởi nguyên tội trên thế gian và nơi loài người, như lấy lành thắng dữ lấy thiện báo oán.
Và vì, nơi Mầu Nhiệm Phục Sinh, Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian... ánh sáng ban sự sống" (Gioan 8:12), đã đi từ bóng tối ra ánh sáng, như muốn biến dữ thành lành, biến ác thành thiện, ở chỗ, Người đã để cho sự dữ tội lỗi và sự chết chụp bắt, nơi thân xác khổ nạn và tử giá của Người, để nhờ đó, cũng bằng chính thân xác của mình, một thân xác đã thực sự bị chết đó, Người đã biến sự chết thành sự sống và tội lỗi thành ân sủng.
Đó là tất cả Sứ Điệp Phục Sinh (Chúa Nhật Phục Sinh, đầu Tuần Bát Nhật) cũng là Sứ Điệp của Lòng Thương Xót Chúa (Chúa Nhật II Phục Sinh, cuối Tuần Bát Nhật Phục Sinh).
Chúa Nhật Phục Sinh (Gioan 20:1-9)
Cho dù trong bài Phúc Âm của ngày thứ 1 trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh hôm nay vẫn chưa thấy Thánh ký Gioan thuật lại rõ ràng Chúa Kitô hiện ra lần đầu tiên về thể lý trước mắt các môn đệ của Người như các lần sau này, nhưng vị Thánh ký này đã cho thấy một Chúa Kitô quả thực đã sống lại rồi trước con mắt đức tin của ngài là một người môn đệ được Người yêu đã trung kiên với Người cho đến cùng ở dưới chân cây thập tự giá:
"Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó... Ông thấy và ông tin... theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết".
Phải chăng hai môn đệ chạy ra mồ đây, Phêrô và Gioan, là hai người môn đệ tiêu biểu cho hai thần đức quan trọng, đó là đức tin và đức mến?
Có thể nói môn đệ Phêrô tiêu biểu cho đức tin, ở chỗ vị môn đệ này đã đại diện cho tông đồ đoàn tuyên xưng đức tin: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), và là người môn đệ chối bỏ đức tin nên đã được Thày cầu nguyện cho để có thể hoàn thành sứ vụ củng cố đức tin cho anh em của mình (xem Luca 22:31-32).
Nếu môn đệ Phêrô tiêu biểu cho đức tin thì môn đệ Gioan tiêu biểu cho đức mến, ở chỗ, người môn đệ được ngả vào ngực của Thày trong Bữa Tiệc Ly (xem Gioan 13:24-25), và là "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" (Gioan 19:26, 20:2, 21:7,20), nhờ đó chỉ có người môn đệ này mới cảm nghiệm được "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) và mới nhấn mạnh đến đức ái trọn hảo trong Thư của ngài theo tinh thần của giới răn mới của Thày là "các con hãy yêu thương nhau như Thày yêu các con" (Gioan 13:34; 15:12).
Chính vì môn đệ Gioan tiêu biểu cho đức ái, liên quan đến con tim cảm xúc của con người, bao giờ cũng bén nhậy hơn đức tin là thần đức liên quan đến trí khôn hiểu biết cần đến suy luận và lý lẽ của con người, mà môn đệ Gioan chẳng những, về thể lý, đã "chạy nhanh hơn" môn đệ Phêrô, mà còn, về tinh thần, tin tưởng nhanh hơn môn đệ Phêrô, ở chỗ "thấy và tin", cho dù môn đệ Gioan này vào trong mồ sau môn đệ Phêrô, trong khi môn đệ Phêrô tiến vào mồ trước mà vẫn còn chưa hoàn toàn tin tưởng, ở chỗ, theo Thánh ký Gioan cho biết thì ngài quan sát hiện tượng ở trong mồ bấy giờ, và theo Thánh ký Luca thì sau khi quan sát ngài "cảm thấy lạ lùng về những gì đã xẩy ra" (Mathêu 24:12), thế thôi.
Ngoài sự kiện môn đệ Gioan "chạy nhanh hơn" môn đệ Phêrô, như được suy diễn trên, còn một sự kiện khác nữa đáng chú ý, đó là môn đệ Gioan dù tới mồ trước nhưng vẫn không tự động bước vào bên trong trước, mà chờ cho tới khi môn đệ Phêrô vào rồi mới vào theo. Bởi vì, đức mến, được tiêu biểu nơi môn đệ Gioan, cần phải có nền tảng đức tin chứ không phải chỉ thuần tác hành và phản ứng theo cảm xúc tự nhiên của con người. Ở đây chúng ta thấy hai yếu tố bất khả thiếu và bất khả phân ly của Giáo Hội, đó là yếu tố phẩm trật (quản trị) nơi môn đệ Phêrô là vị lãnh đạo tông đồ đoàn với vai trò là một chủ chiên, và yếu tố đặc sủng (nội tâm) nơi môn đệ Gioan là vị được những ơn đặc biệt (xem Gioan 21:21-23), như các thị kiến huyền nhiệm về dự án thần linh đặc biệt liên quan Giáo Hội được ngài thuật lại trong sách Khải Huyền.